linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

BÀI DỰ THI MS35: NHỮNG ĐIỀU XUẤT PHÁT TỪ TRÁI TIM SẼ CHẠM ĐẾN TRÁI TIM

- Tên tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Giàu - Đơn vị: Bệnh viện Thống Nhất
“ Sống bao lâu không bằng sống bao sâu”
 
Một câu nói mà tôi được thầy dạy khi tham gia một buổi hội thảo cách đây bốn năm về trước không quan trọng là bạn sống bao lâu điều quan trọng là bạn phải sống sao cho thật ý nghĩa. Tôi vốn cho rằng mọi việc trên đời “ Vạn sự tùy duyên”. Mỗi người chúng ta gặp nhau, biết nhau, làm việc với nhau hay cả khi có cơ hội được sống, được trải qua cùng nhau phần còn lại của cuộc đời. Mỗi một người, một vật, một sự việc đều có ý nghĩa của nó khi đến với cuộc đời của mỗi người. Đến với nghề y đối với tôi cũng là một cái “ Duyên”. Dì tôi và cô bác cũng có người làm trong ngành mặc dù các cô bác khuyên không nên học nghề này vất vả lắm nhưng tôi vẫn theo mẹ chọn “ nghề y”.
 
Ba năm học cao đẳng với những kiến thức được học ở trường cùng kinh nghiệm khi đi lâm sàng tôi bước vào nghề. Thời gian thấm thoát trôi mau thế là cũng được sáu năm làm việc bệnh viện nơi mà tôi từng mong ước được làm việc ở đây. Từ khi tôi thi đại học được ba chở ngang qua bệnh viện tôi đã cảm thấy nơi đây rất có duyên với mình. Ngày tôi bước chân vào bệnh viện cũng là một ngày đặc biệt “ Ngày sinh nhật Bác”. Ở nơi đây tôi cả nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, niềm vui, nỗi buồn và cả những chia sẻ. Những ngày đầu làm việc được các anh chị chỉ bảo có khen, chê, mắng đủ kiểu nhưng mà cảm thấy vui lắm. Bệnh viện như là ngôi nhà thứ hai của tôi. Tôi vẫn còn nhớ rõ những bác bệnh nhân những câu chuyện của họ cho dù họ không còn nữa. Vì đặc thù bệnh viện nơi tôi công tác phần lớn là những bác tuổi đã ngoài 60 và có rất nhiều bệnh mãn tính. Các bác vào ra thường xuyên đến nỗi thường bảo “ Bệnh viện là nhà” vì một năm thì đã hết phân nửa thời gian là ở trong bệnh viện. Tôi còn nhớ một Bác bệnh nhân tôi gặp từ lúc mới vào làm mỗi lần Bác vào viện đều hỏi tôi có gì mới không? Tôi còn trêu là Bác vào nhanh quá con còn chưa tìm được ai. Bác cười bảo khi nào cưới thì nói để bác đi đám cưới. Tôi cười chọc vậy thì phải mang theo bình oxy theo thì mới được. Những cuộc chuyện trò bâng quơ ấy lại ý nghĩa lắm dù bác đã mất cũng cách đây hai, ba năm rồi tôi vẫn nhớ. Nhớ hình dáng, nụ cười những cái tết, bác ở bệnh viện vừa thở máy vừa ngồi đánh cờ vua cùng với bệnh nhân khác. Những tháng năm làm việc của tôi gắn liền với những câu chuyện của các bác bệnh nhân nơi đây. Tôi còn có những người thân mà hoàn toàn không có quan hệ họ hàng một người Tía nuôi và ông nội với biệt danh “ Nàng tiên cá” do ông tự đặt cho mình. Mỗi khi gặp nhau thì Tía đều chọc tôi lấy chồng chưa tôi cười bảo ế rồi tía ơi rồi bảo ông dẫn con trai vào chứ con dâu mà không biết mặt mày con rể... nhưng chỉ là để góp chuyện cho vui chứ ông cũng xem ai là con dâu cả. “Nàng tiên cá” thì mỗi lần vào viện đều giới thiệu tôi là cháu dâu và thương lắm lần nào mệt cũng kêu và nói nhỏ nhờ nói bác sĩ giùm vì sợ bác sĩ la. Có lần ngồi không cẩn thận bị té u đầu mấy ngày sau lần nào gặp ông cũng chỉ cho xem.
 
Những giờ trực khuya trong không gian vắng lặng chỉ có tiếng đồng hồ kêu, tiếng ho của các bác, những máy móc thiết bị y tế. Khi đêm xuống ngồi trực một mình đôi lúc thấy không gian vắng lặng. Đôi lúc tôi đi dạo các phòng để theo dõi bệnh đôi khi cũng đắp giúp chăn, chỉnh lại oxy và đôi lúc thấy có những bác không ngủ được cứ trằn trọc mãi. Có lúc tôi hỏi “ Sao bác không ngủ, khuya rồi!?” Khi đó tôi nhận được rất nhiều câu trả lời. Đôi lúc là vì tuổi lớn khó ngủ một đêm thì chỉ ngủ 2,3 tiếng, có bác thì nói đang ngủ thì ho quá không ngủ được thì tôi bảo uống nước ấm rồi đắp chăn qua cổ và nằm cao lên để dễ chịu hơn vì thuốc bác sĩ đã cho hết rồi không thể dùng thêm. Có hôm đang ngồi trực đồng hồ trên tường báo một giờ sáng thì có một bác đứng giữa hành lang tập thể dục. Trông thấy lạ tôi hỏi sao bác không ngủ Bác bảo ngủ không được nên tập thể dục cho khoẻ, câu chuyện nghe có vẻ đơn giản nhưng nghe lại buồn và khiến tôi suy ngẫm. Người trẻ như chúng tôi nằm xuống là ngủ còn cho đêm thật ngắn mới đó đã sáng.Trong khi các Bác muốn ngủ thì lại không được một đêm dài cứ trằn trọc mọi người thì đang an giấc thì các bác lại ngồi thẫn thờ đếm thời gian trôi. Nhắc lại tôi lại nhớ có một bác rất thích đồng hồ khoa tôi cứ một, hai tiếng là chạy ra xem một lần người nhà có mua cho đồng hồ để xem cũng không chịu lần nào nhập viện cũng vậy. Nhiều lúc trực thấy bác cứ hỏi “ Cô ơi mấy giờ rồi!?” làm tôi chỉ biết cười bảo 2 giờ sáng rồi bác vào ngủ đi ạ rồi bác chậm rãi đi vào phòng. Khi lớn tuổi rồi thì trí nhớ cũng hao mòn ít nhiều không biết tương lai của tôi có vậy không đó là những gì tôi nghĩ khi dẫn các bác về phòng mỗi lần ra khỏi phòng rồi chẳng biết đi đường nào về sau khi đi vệ sinh xong hay muốn đi ra khỏi phòng tìm người nhà. Nhờ những câu chuyện như thế mà đêm trực bớt cô đơn phần nào.
 
Sáu năm tôi cũng tiễn rất nhiều bác đi xa. Lần đầu tiên cảm thấy rất buồn vì mình không làm gì được nhìn người nhà khóc tôi cũng muốn khóc theo. Nhưng rồi thời gian trôi tôi mọi thứ thay đổi tôi nghe người khác nói là làm lâu quá cảm xúc bị chai sạn đi mất. Nghĩ cũng đúng nhưng mà thật ra nó cũng không đúng. Cảm xúc không phải chai sạn mà là chúng tôi cảm nhận được sự “Vô thường” của cuộc đời này. Ai rồi cũng sẽ đi đến cánh cửa cuối cùng của cuộc đời chúng tôi học cách bình tĩnh để cấp cứu cũng như hỗ trợ gia đình tốt nhất có thể vì sau đó còn nhiều bệnh nhân khác đang chờ chúng tôi. Nhưng đôi lúc cũng cảm thấy chạnh lòng với những bác đã gắn bó nhiều năm nhìn họ từ lúc bệnh cho đến khi hồi phục rồi sau đó lại bệnh cứ thế lặp lại cho đến khi chúng tôi tiễn họ đến cánh cửa cuối cùng. Nhiều đêm ngủ mà không biết khi đang ngủ hoặc tỉnh dậy có ai đó sẽ ra đi. Lo lắng cũng không giải quyết được gì chỉ dặn lòng đi ngủ để còn có sức để tiếp tục ca trực thay cho anh, chị khác. Mỗi sáng ra khi đi kiểm tra sinh hiệu thấy họ khoẻ hơn hoặc ổn định thấy lòng nhẹ nhõm đi nhiều lắm.
 
Tôi còn nhớ những lần cấp cứu có hôm làm từ bảy giờ sáng cho đến một giờ đêm công việc mới xong. Cấp cứu thất bại chúng tôi phải làm thủ tục cho gia đình về rồi sau đó cặm cụi dọn dẹp các thiết bị máy móc nhìn ngoài cửa sổ phòng trực chợt nghe lòng buồn lắm. Có lần cấp cứu xong mệt rã rời, chị trực chung thì làm hồ sơ thanh toán còn tôi cặm cụi đặt kim truyền cho bác bệnh nhân lúc ba giờ sáng mà tìm mãi không thấy ven vì thật ra bình thường cũng nhiều anh, chị cũng tìm không ra ven. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc báo bác sĩ vì rất mệt, tìm hoài không thấy đặt nhiều lần thì đau bác nhưng kháng sinh không truyền thì không được chợt nhận ra làm việc gì cũng phải có tâm. Chữ “ Tâm” với nghề là điều mà chúng tôi vẫn luôn giữ để tiếp tục công việc của mình dù mệt mỏi khó khăn thế nào.
 
Tôi rất thích đọc sách và mua rất nhiều sách. Sách là cả một thế giới đầy thú vị và bài học cuộc sống. Có một bác thường hay nhập viện khoa tôi vì bệnh dãn phế quản mạn cứ lần nào ho ra máu là bác lại vào mà lần nào vào cũng mang theo sách để đọc. Một lần rồi hai lần tiếp xúc tôi và bác trở thành những người bạn qua sách. Tôi thường đem cho bác mượn những quyển sách tôi có. Có hôm tôi còn mua sách tặng cho bác. Bác là một người rất yêu đời và lắm lúc bác nói những câu làm tôi thấy buồn lắm. Bác hay nói với tôi là sắp rồi họ đang rồi đó đặt gạch rồi đó chắc cũng sắp rồi. Bác có một cuốn sổ nhật ký lưu lại thời gian nhập viện và thời gian bao lâu còn chính xác hơn dữ liệu trên máy tính. Mỗi lần nhập viện là mỗi lần một nặng hơn tôi biết sẽ có một ngày bác sẽ rời đi mãi mãi.
 
Đó là những kỉ niệm cũng như những niềm vui của tôi đối với nghề. Nghề y nhiều nỗi niềm lắm nhưng chọn lựa những điều tích cực là điều mà tôi lựa chọn. Đôi khi trò chuyện chọc cho các bác cười mặc dù phải mang khẩu trang nhưng khi bạn mỉm cười thì người xung quanh cũng có thể cảm nhận được. Chuyện đời chuyện nghề không biết kể đến bao giờ mới hết. Hỏi tôi có yêu nghề không thì tôi chỉ có thể trả lời “ Những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim” và hãy làm việc với chữ “ Tâm” bên mình.
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team